Con ngựa của người lính và con lừa gầy

Một người lính có con ngựa rất đẹp và phi rất nhanh. Một hôm, ngựa thắng yên vàng, cương vàng, ngậm hàm thiếc phóng nước kiệu trên đường cái. Bỗng nó nhìn thấy một con lừa gầy đét và bơ phờ mệt mỏi, đang thồ một kiện hàng nặng quá sức, lững thững tiến lại. Ngựa giận dữ hí vang:

-Ê, thằng kia, tránh ra kẻo ông đá chết toi bây giờ! Con lừa đáng thương đã kiệt sức. “Ta không địch được nó, khéo nó đá chết mất”- Lừa nghĩ bụng và vội vàng tránh đường cho ngựa. Chẳng bao lâu sau, ngựa bị thương trong một trận giao chiến. Bấy giờ, ngựa không thể dùng để cưỡi, người lính bèn bán ngựa cho một nông dân, và anh ta dùng ngựa để tải đồ.

Một hôm, ngựa chở một kiện hàng nặng, đi ngất ngưỡng trên đường cái, bỗng gặp con lừa gầy nọ, lừa nhìn ngựa nói:

-A, chào bác ngựa! Bác vẫn khoẻ chứ? Bác có nhớ là một lần kia, bác doạ đá tôi không? Lúc đó, tôi nghĩ bụng: “Thôi được, người anh em bây giờ đang hăng máu, đang dương dương tự đắc, rồi sau này cũng có lúc tỉnh ngộ!”.

222787EE-341C-4C9F-96B2-9C5B14237953.jpeg

Con dơi

Ngày xưa, giữa thú vật và chim muông nổ ra một cuộc đại chiến. Dơi nghĩ bụng: “ Chưa có ai định đoạt được rõ rệt ta là thú vật hay là chim. Chi bằng ta cứ làm anh trung lập để có thời giờ suy nghĩ cho cho chín chắn, hễ bên nào thắng thì ta nhập bọn”.

Trong lúc đó, trận kịch chiến giữa quân của thú vật và chim đang diễn ra bất phân thắng bại. Dơi đứng tít đằng xa quan sát trận địa, khi thì ngả về bên này, khi thì nghiêng về bên kia. Bỗng dơi cảm thấy thú vật thắng thế, liền sà xuống nhập bọn và nói:

-Mõm tôi hệt như mõm chuột, tôi có vú cho con bú, còn loài chim thì không. Như vậy thì tôi đích thị là loài vật. Xin các ngài cho tôi nhập phe với. Tôi nguyện suốt đời tận tâm giúp đỡ các ngài không hề phản bội.

Thú vật tin lời dơi và nhận cho dơi nhập vào phe mình. Nhưng rốt cuộc thì loài chim chiến thắng và thú vật bại trận, vì loài chim có một vị tướng lĩnh rất dũng mạnh là đại bàng. Thấy vậy, dơi ta sợ xanh mặt, nghĩ bụng: “Khéo ta không thoát khỏi nanh vuốt của lũ chim mất!”. Và dơi tìm cách thoát thân. Dơi bay vội vào rừng và nấp trong hốc cây. Ban ngày, dơi phải lẩn trốn. Đêm đến, khi tất cả chim muông đã về tổ, dơi mới dám bay ra để kiếm ăn. Cuộc đời hèn hạ, nhục nhằn của dơi cứ như thế trôi qua, hết ngày này sang ngày khác…

Kẻ hèn nhát thật đáng chê trách và sự tráo trở ti tiện đáng cho người đời phỉ nhổ!

219842C1-FE4C-42B2-89F6-8F2FD7B28D88

Tính nóng

09E0DEEC-F1B7-4743-B1F9-E5E51CED1EB1

Thánh Philipphê Nêri biết tính mình rất nóng, và trước Mình Thánh Chúa, ngài xin Chúa giúp ngài chữa tính nóng nảy. Chúa hứa giúp ngài.

Sau đó, Nêri bước ra khỏi nhà thờ và chỉ công việc cho giáo dân. Hôm đó, một anh thanh niên xưa nay rất thân với ngài, bỗng nhiên không chịu nghe lời ngài, còn dám cãi to tiếng với ngài nữa. Nêri nổi giận, la anh này một trận. Nhưng sau đó, ngài nghĩ lại, hối hận vì sự nóng nảy của mình, và xin Chúa tha thứ. Cuối ngày hôm đó, lại có một giáo dân, bình thường rất hiền lành, dễ bảo; nay bỗng trở chứng, làm Nêri nổi cơn thịnh nộ một lần nữa.

Tối đó, trước Mình Thánh Chúa, Nêri cúi đầu thưa Chúa:

-Con xin lỗi Chúa vì con đã nóng nảy. Mà tại sao Chúa lại không giúp con sửa tính xấu này?

Chúa trả lời thánh nhân rằng:

-Con ạ, con xin ta giúp sửa đổi tính nết và ta đã giúp con bằng cách cho hai người bạn thân tốt của con tạo dịp cho con sửa mình, thế mà con đâu có nhận ra đó là ơn của ta!

Chim cãi nhau

Một người đi săn chim, giăng lưới trong rừng và bẫy được đủ thứ chim: nào quạ, nào sáo, nào bồ câu. Bầy chim bàn với nhau:

-Ta tham mồi nên bị mắc bẫy, giờ ta hãy tìm cách thoát khỏi đây. Tất cả mọi người hãy cố đồng tâm nhất trí thì may ra sẽ thoát được.

Bầy chim nghĩ mãi, nghĩ mãi… và đã nghĩ được kế.

-Giờ ta cùng nhau đồng loạt cất cánh bay lên thử xem, may ra nâng được lưới lên! -Tất cả nói.

Mà đúng thế. Bầy chim đồng loạt cất cánh, đã nâng được lưới và bay lên. Người thợ săn thấy lưới cùng với bầy chim bay lên thì lấy làm lạ, chạy đuổi theo. Phía trên là bầy chim trong lưới, phía dưới là người săn chim chạy đuổi theo. Vừa chạy anh ta vừa nghĩ bụng: -Trong lưới có nhiều loại chim, rồi chúng sẽ cãi nhau cho mà xem, mà hễ cãi nhau là không bay nhanh được nữa, lưới sẽ kéo chúng xuống đất.

Quả thật như vậy. Lúc đầu bầy chim còn đoàn kết với nhau mà tha lưới đi, nhưng được một chút đã bắt đầu cãi nhau chí choé. Lũ quạ quang quác:

-Chẳng ai cố gắng bằng lũ quạ chúng tôi. Nếu chúng tôi lười như các anh thì lưới và tất cả đã rơi xuống đất từ lâu rồi.

Lũ bồ câu nghe xong, nổi giận:

-Thôi, im cái mỏ đi! Các anh đừng khoác lác nữa! Chúng tôi còn cố gắng hơn các anh.

Những con chim khác cũng châu đầu lại cãi nhau. Hết con này nói đến con khác nói. Khi sự đoàn kết nhất trí bị sứt mẻ thì công việc khó mà trôi chảy. Bầy chim cãi nhau và chẳng con nào chịu khó bay. Tất cả chỉ vỗ cánh hờ hờ cho xong chuyện và thế là lưới sa ngay xuống đất.

Người săn chim chạy lại, nắm lấy sợi dây và kéo lưới về phía mình. Đoạn anh ta mang đi và bắt lũ chim nhốt cả vào lồng.

54652923-2CFA-4370-85AC-9551DFC0CD38

Nhà hiền triết và chủ nhà mến khách

Một nhà hiền triết đi tới một đô thành và được biết ở đó có một người rất mến khách. Bất cứ người đi đường nào cũng được anh ta cho ăn uống tử tế. Nhà hiền triết đến nhà anh ta, nhưng mặc một bộ quần áo rách rưới. Chủ nhà không những không kính trọng mà còn tỏ vẻ hất hủi khách. Nhà hiền triết lấy làm khó chịu và bỏ đi.

Hôm sau, nhà hiền triết mượn đâu được một bộ đồ sạch sẽ, mặc vào và lại đến nhà người nọ. Lần này chủ nhân đon đả đón tiếp khách, mời ngồi cạnh mình và sai dọn tiệc rượu thiết đãi. Nhà hiền triết ngồi trên tấm thảm và bốc thức ăn bỏ vào vạt áo. Thấy lạ, người chủ hỏi:

-Ngài làm gì thế?

Nhà hiền triết đáp:

-Hôm qua tôi đến đây mặc bộ quần áo cũ và chẳng được ăn uống gì. Hôm nay tôi được thết đãi linh đình như thế này là nhờ bộ quần áo mới của tôi, cho nên tôi khao nó.

Người chủ nghe nói đâm ngượng, không biết trả lời thế nào…

ACF588F3-C141-4A4D-A157-A9DDF8C9C9AC

Tiếng vang (Echo)

Thần thoại Hy Lạp giải thích nguồn gốc của tiếng vang bằng một câu chuyện vừa diễm lệ vừa bi thương như sau:

Tiếng vang là một nữ sơn thần, có tật tò mò và hay nói huyên thuyên, bị Junon hoá phép cho mất hẳn tiếng nói, chỉ được lặp lại những đoạn cuối cùng của một chuỗi âm thanh mà mình nghe thấy, không bao giờ được cất tiếng nói đầu tiên và cũng không bao giờ được im lặng khi đã nghe ai nói điều gì.

Echo (tiếng vang) lại yêu mê mệt chàng Narcissus đẹp trai, tức là Thuỷ Tiên. Narcissus quá chán vì thấy người yêu không biết nói gì hơn là lập lại những tiếng nói sau cùng của chàng, liền bỏ đi. Thất vọng và tủi thân, Echo nhịn ăn, đi lang thang trong những hang động và rừng sâu, mòn mỏi dần cho đến ngày mất hẳn bóng dáng, mà chỉ còn là… tiếng vang huyền bí của muôn đời!

9498ED13-66A4-4D3E-A67C-8D130C251FD1.jpeg

Quảng cáo mà!

Một người kia khi sống làm nghề quảng cáo. Lúc chết, ông ta xuống gặp Diêm Vương; Diêm Vương hỏi muốn ở thiên đàng hay ở hoả ngục? Ông ta nói:

– Chưa thấy thiên đàng và địa ngục thì làm sao mà chọn?

Diêm Vương bèn cho ông ta thấy cảnh thiên đàng: một nơi mát mẻ, yên lặng, người người dịu dàng đi dạo, hoặc nói chuyện nhẹ nhàng, hoặc chơi cờ thanh thản…; còn cảnh địa ngục thì: vui nhộn hơn, có những đám ăn nhậu với đủ mọi thứ thức ăn ngon lành, có văn nghệ với các cô đào trẻ đẹp… Nhìn thấy rồi, người kia trả lời:

-Ở thiên đàng buồn quá, tôi thích ở địa ngục, vui sướng hơn!

Diêm Vương bèn sai hai quỷ ném ông ta vào địa ngục.Vừa đến nơi, ông ta la hoảng lên vì nóng quá, chả có văn nghệ, ăn nhậu gì hết ráo, mà chỉ thấy có những tên quỷ đen nham nhở hành hạ tội nhân. Ông ta vội nói với Diêm Vương:

-Thế địa ngục hồi nãy ngài cho tôi thấy ở đâu?

Diêm Vương cười ha hả, đáp:

-Trời ơi! Quảng cáo mà mày!…

F455ABC8-10B4-4D30-81D5-930A36C11BF7.jpeg

Làm gương

5F7930A6-1073-4986-850B-A37F3B5DE5C1

Thánh Phanxicô Salêsiô Giám mục có một tên đầy tớ bê tha rượu chè. Một đêm kia, anh ta say mèm. Các người nhà đã ngủ hết, còn mình thánh nhân thức chép sách. Chính ngài đã dìu anh ta về giường và lấy mền đắp cho anh; rồi sáng hôm sau mới nói cho anh biết lỗi. Thánh nhân đặt giả sử: “ Nếu lúc đang say, sẩy chân ngã xuống giếng thì làm sao? Hoặc nhỡ bị ngộ gió mà chết thì sẽ ra thế nào? Linh hồn ở đâu bây giờ?”

Nghe vậy, anh ta hối lỗi, xin tha thứ. Và trước mặt ngài, anh xin cam đoan sẽ không còn uống một giọt rượu nào nữa… Nhưng ngài bảo anh ta: “Đừng chừa vội quá như thế!”

Từ đó, anh ta xin nhận thánh nhân làm cha giải tội cho mình và dần dần đã biết chừa tội cũ, sống rất tử tế.

Dạo mát nửa đêm

Nhiều đệ tử đang theo học thiền định dưới sự hướng dẫn của thiền sư Sengai. Một người trong bọn họ thường hay dậy ban đêm, vượt tường ra phố để dạo mát cho thoả thích.

0F40B36F-3626-4DFB-9D0B-07FF5277FE51.jpeg

Một đêm kia, Sengai đi giám thị phòng ngủ , thấy một đệ tử vắng mặt, và cũng khám phá ra được chiếc ghế đẩu cao mà anh ta thường dùng để leo qua tường. Sengai dời chiếc ghế đi chỗ khác và đứng thay vào chỗ đó. Khi anh chàng rong chơi trở về; không biết rằng Sengai là chiếc ghế; anh ta đặt chân lên đầu thầy và nhảy xuống đất. Khi khám phá ra việc mình đã làm, anh ta hoảng sợ. Nhưng Sengai nhỏ nhẹ bảo anh:

-Sáng sớm này trời lạnh lắm, con hãy cẩn thận kẻo bị cảm đấy!

Từ đó, người đệ tử ấy không bao giờ bỏ ra ngoài ban đêm nữa.

Sự cải hoá chân thật

Ryokan đã hiến đời mình cho việc học Thiền. Một hôm, Ryokan nghe nói người cháu trai của ông, mặc cho những lời khuyên nhủ của những người thân, đang phung phí tiền bạc với một kỹ nữ giang hồ. Bởi vì anh ta đã thay chỗ Ryokan để quản lý tài sản và quyền sử dụng. Gia đình đang ở trong tình trạng nguy hiểm vì sự hoang phí tàn phá của anh ta. Vì thế, thân quyến của Ryokan yêu cầu ông phải làm thế nào để ngăn chặn.

Ryokan phải du hành qua một đoạn đường dài để thăm người cháu mình đã nhiều năm không gặp mặt. Thấy chú đến, người cháu tỏ vẻ vui mừng và mời chú ở lại đêm đó. Ryokan thiền định suốt đêm.

4D6A0038-C4FB-4E5F-9790-4D783A9A522A

Sáng hôm sau khi ra đi, Ryokan bảo người cháu:

-Chú già rồi, tay run quá không làm được việc dễ dàng, cháu buộc hộ chú chiếc dép rơm được không?

Người cháu ngoan ngoãn vâng lời. Ryokan nói lời sau cùng:

-Cảm ơn cháu! Cháu thấy đó, con người rồi cũng phải già yếu đi dần dần theo từng ngày. Cháu hãy bảo trọng lấy thân cháu!

Rồi Ryokan từ giã, không một lời về người kỹ nữ giang hồ cũng như sự phàn nàn của những người bà con. Nhưng từ sáng hôm đó, người cháu không còn hoang phí tiền của nữa