Ảo ảnh tan vỡ

Ảo ảnh tan vỡ
Truyện ngắn Ấn Độ
Rabindranath Tagore …

Khi tôi đến thị trấn Đajilinh, các ngọn núi chìm trong màn mây mù dày đặc. Tôi không muốn bước chân ra khỏi nhà chút nào, lại càng không muốn ở lại trong nhà. Vì vậy, sau bữa ăn sáng, tôi đi thơ thẩn ngoài khách sạn, chân đi ủng, áo mưa trùm kín người.
Mưa đã tạnh, nhưng bốn bề xung quanh không nhìn thấy gì hết ngoài lớp sương mù mịt, như thể các vị thần linh đã xóa sạch phong cảnh các dãy núi Himalaya. Tôi dạo bước, vẩn vơ đi lại trên con đường Cancơta vắng ngắt, cảm thấy rất cô đơn và buồn chán vì phải lưu lại ở xứ sở của sương mây bồng bềnh mênh mang này, nhớ da diết những vẻ đẹp đa dạng của quả đất mẹ chúng ta và chỉ nuốn bấu víu lấy đất bằng tất cả các giác quan của mình.
Bỗng nhiên, tôi có cảm giác nghe thấy một âm thanh mơ hồ như tiếng khóc của đàn bà. Trong thế giới đầy đau khổ này, điều đó không có gì lạ. Ví như ở nơi khác có lã tôi đã không để tâm, nhưng ở đây, giữa khung cảnh mờ mịt, mênh mông này, tôi tưởng như đó là tiếng than vãn thật sự của cái thế giới đã bị xóa nhòa, nên tôi không thể coi thường bỏ qua.

Tôi đi về phía tiếng khóc và gặp một người đàn bà khoác một tấm áo vàng nhà tu khổ hạnh, những món tóc hung hung rối tung cuộn tròn thành một búi trên đầu. Người đàn bà ấy ngồi trên một phiến đá bên vệ đường khe khẽ nức nở. Nỗi sầu muộn của bà có lẽ không phải mới xảy ra, mà là một nỗi ai oán sâu xa của một tâm hồn kiệt quệ nay đã hết sức chịu đựng, gục ngã trước sức nặng của cô đơn.
"Như phần mở đầu của một cuốn tiểu thuyết thật sự", tôi tự nhủ. Một nữ khất sư khóc trên đỉnh núi, một điều tôi không hề nghĩ mình sẽ được tận mắt chứng kiến. Tôi không nhận ra nổi người đàn bà ấy là người tỉnh nào, cho nên dùng số vốn ít ỏi tiếng Hinđi của mình, tôi hỏi:
-Bà là ai?
Thoạt tiên bà ta không nói một lời nào mà chỉ nhìn tôi qua làn sương mù với con mắt đẫm lệ.
-Bà đừng sợ gì hết, tôi là một người đứng đắn,_ tôi bảo.
Nghe thấy vậy, bà ta bật cười và trả lời tôi bằng thứ tiếng Ơcđu trong sáng nhất:
-Từ lâu tôi không còn biết sợ là gì và không biết cả hổ thẹn nữa. Thưa Babu-ji (Tôn ông, ý kính trọng), đã từng có thời ngay cả anh trai tôi cũng phải xin phép trước mới được vào buồng tôi. Còn bây giờ, tôi bỏ cả mạng che mặt trước mặt mọi người.
Ban đầu, tôi hơi khó chịu. Ăn mặc theo đúng kiểu người Anh như tôi thế này, cớ sao người đàn bà khốn khổ kia lại gọi tôi là Babu-ji kia chứ? "Kết thúc câu chuyện này đi thôi", tôi nhủ thầm, tự ái định bỏ đi, miệng nhả khói thuốc lá như một đầu xe lửa oai vệ. Nhưng tính tò mò của tôi đã thắng. Tôi ưỡn người hỏi với giọng kênh kiệu bề trên:
-Tôi có thể giúp bà được gì không? Bà có cần cầu xin gì không?
Người đàn bà nhìn chằm chằm vào mặt tôi với con mắt điềm tĩnh một lúc, rồi dõng dạc:
-Tôi là con gái tiểu vương Gôlam Kade Khan ở Bađraôn.
Tôi chưa hề bao giờ nghe nói đến một nơi nào tên là Bađraôn, cũng như không hề biết tiểu vương nào tên là Gôlam Kade Khan. Tai họa nào đã xảy ra với con gái của tiểu vương xa xôi kia để bà ta ngồi khóc bên đường Đajilinh này, ăn mặc như một nhà tu khổ hạnh Hinđi. Tôi không sao đoán được, với lại tôi cũng không tin. "Nhưng thôi, ta chớ nên làm hỏng chuyện- tôi nghĩ- câu chuyện có chiều lý thú đấy."
Khoát tay chào một cách cung kính, tôi thưa với bà ta với tất cả vẻ nghiêm trang thích hợp:
-Thưa Babi-Xahép (cách gọi tôn kính đối với phụ nữ Hồi giáo thuộc đẳng cấp cao), xin lệnh bà thứ lỗi cho tôi đã không nhận ra lệnh bà.
Dĩ nhiên không nhận ra là có vô vàn lý do. Trước hết, tôi chưa hề bao giờ gặp bà ta. Với lại, giữa đám sương mù dày đặc này, đến chính mình cũng hầu như không nhìn ra mình nữa. Dẫu sao bà ta tỏ vẻ hoàn toàn khoan dung đối với tôi. Bà dịu dàng chỉ cho tôi một phiến đá bên cạnh và bảo:
-Tôn ông hãy ngồi xuống đây.
Rõ ràng người đàn bà này biết ban lệnh. Và tôi phải thú thực rằng, tôi cảm thấy phần nào phấn chấn trước vinh dự lớn lao bà dành cho tôi, khi bà ân cần cho phép tôi ngồi xuống một phiến đá ẩm ướt, sần sùi và trơn nhẫy, trước mặt có lẽ là lệnh ái Nuranisa hay Môhêrunisa, hay thậm chí là Nuaunmuk, không biết tên nào là tên của con gái tiểu vương Bađraôn. Tôi không thể mơ tưởng sẽ có dịp may tuyệt vời như thế khi rời khách sạn, mình trùm áo mưa. Bỗng dưng, giữa một vùng cao nguyên trong dãy núi Himalaya, một người đàn ông và một người đàn bà ngồi yên lặng bên nhau trên một phiến đá to- tất cả sự việc xảy ra làm cho tôi có cảm giác như đang sống trong một khúc ca trữ tình. Này, bạn đọc có thể lắng nghe tiếng thác đổ từ phía dãy núi xa xa, văng vẳng điệu nhạc huyền ảo mà Kalidasa từng mô tả trong truyện thơ Mêgađút Kuma Samvaba.

Tuy nhiên, thật hiếm có cảnh tượng một chàng thanh niên thời mới của xứ Bengan, chân mang ủng và mình khoác áo mưa, lại ngồi một cách kính cẩn như vậy bên cạnh một người đàn bà khốn cùng của miền Bắc Ấn Độ. Tôi cất tiếng hỏi:
-Thưa lệnh bà, tôi xin phép hỏi: cớ sao lệnh bà lại đến ngồi ở đây?
Bà ta lấy lòng bàn tay vỗ trán (Chú thích: một niềm tin phổ biến trong dân chúng Ấn Độ cho rằng số phận con người ta được ghi ngay trên trán. Vì vậy, vỗ trán tức là đánh vào chính số phận mình, và cũng là một cách tỏ ý chán ngán số phận mình), rồi nói:
-Tôi làm sao biết được ai là kẻ gây ra những chuyện của đời tôi, cũng như ai là kẻ đã cho phép dải mây nhẹ tênh như một tấm mạng xóa mờ khung cảnh bao la của những ngọn núi Himalaya nặng nề kia?
-Thưa đúng, thưa đúng- tôi vội vã nói- con người ta chỉ là con sâu, cái kiến, không có quyền vặn hỏi số phận.
Lẽ ra tôi đã không để cho Bibi-Xahép thoát được dễ dàng như thế nếu tôi không bị lúng túng vì vốn tiếng Hinđi ít ỏi, đã học được của những người hầu xuất xứ từ vùng quê ở các tỉnh miền Bắc. Vốn liếng tiếng Hinđi ấy hoàn toàn không đủ cho một cuộc bàn cãi triết lý về vận mệnh và ý chí tự do, không đủ để sắp đặt thành những câu cú lịch sự, thích hợp với lỗ tai tinh tế của một bà công chúa con gái tiểu vương, đồng thời các câu nói cao nhã của bà làm tôi vất vả mới hiểu được.
Bibi-Xahép tiếp tục:
-Câu chuyện kỳ lạ của đời tôi đã đi đến chỗ kết thúc đúng hôm nay, tại thị trấn Đajilinh này. Nếu ông thích, tôi sẽ kể cho ông nghe.
-Thích ư?- tôi thưa- Nếu lệnh bà vui lòng hạ cố kể chuyện, tức là lệnh bà đã rót một bình hương thơm vào tai kẻ hạ thần xiết bao mong mỏi được nghe tiếng nói của lệnh bà.
Các bạn chớ tưởng rằng tôi đã thật sự nói ra được tất cả các câu đó. Phải hiểu rằng tôi cố gắng hết sức bày tỏ các ý nghĩ của mình, nhưng đã thất bại thảm hại. Khi bà công chúa con gái tiểu vương nói, thì khác nào một cánh đồng ngô chín rộ màu ngọc bích rập rờn nhè nhẹ trong làn gió ban mai, còn tôi thì như một kẻ cục mịch, vụng về, đáp lại bằng những câu cộc lốc, rời rạc, nhát gừng, với những từ thô kệch hoàn toàn không có những hình thức sơ đẳng của phép lịch thiệp thường nhất.
Bà ta bắt đầu câu chuyện của mình:
-Chảy trong các huyết quản gia đình thân phụ tôi là dòng máu hoàng đế Môgôn. Tôi thuộc dòng dõi cao sang đến nỗi khi đến tuổi thành hôn khó tìm được một ai thích hợp với tôi. Khi cha tôi đang cân nhắc đến lời cầu hôn của tiểu vương Lúcnô, thì đúng vào thời gian ấy xảy ra cuộc binh biến chống lại các quan thầy người Anh và toàn bộ Hinđuxtan mù mịt khói đạn…
Đây là lần đầu tiên tôi được nghe tiếng Ớcđu nói ra một cách thanh tao từ miệng một phụ nữ, một phụ nữ rất cao sang, và tôi nghĩ rằng đó đúng là một tiếng nói xứng với các vị tiểu vương thời xưa, nhưng hoàn toàn không thích hợp với thời đại xe lửa, điện thoại ngày nay và với thế giới bận rộn hối hả này. Trong khi những lời nói từ miệng Bibi-Xahép tuôn chảy, tôi tưởng tượng đến những cung điện bằng đá cẩm thạch cao vời vợi, những con tuấn mã cương đai sáng chói, bờm và đuôi tung bay trước gió; những đàn voi oai vệ mang trên lưng những chiếc kiệu trang hoàng lộng lẫy; những đường phố vui mắt với những vành khăn đủ màu sắc, những đôi hài mũi cong thêu kim tuyến của thị dân, những lưỡi mác sáng lòa của quan lính cùng những tà áo duyên dáng, mềm mại và những nghi lễ miên man.
Người con gái tiểu vương tiếp tục kể:
-Pháo đài của chúng tôi nằm trên bờ sông Jumna. Người chỉ huy đạo quân của chúng tôi là một người Hinđi đẳng cấp Bà La Môn, chàng tên là Kesáclan…
Cái tên Kesáclan ấy hình như được bà ta trút vào đó trong giây lát tất cả âm thanh êm ái vẫn còn dự trữ trong tiếng nói của đàn bà. Tôi ngồi thẳng người trên tảng đá, rất chăm chú lắng nghe, bỏ mặc cái can của tôi lăn tuột xuống đất.
-Kesáclan là một người theo đạo Bà La Môn chính thống. Mỗi sáng, vào lúc tinh mơ, qua khung cửa sổ nhỏ, tôi nhìn thấy chàng đứng dưới dòng sông Jumna nước tới ngang ngực làm lễ rửa, hai bàn tay giơ lên cao dâng nước chào mặt trời vừa mọc. Kế đó, với cả bộ quần áo ướt đầm trên mình, chàng bước lên và ngồi xuống bậc bến tắm cao nhất để cầu kinh trước khi trở về nhà, vừa đi vừa tụng những lời ngợi ca.
Tuy sinh ra trong một gia đình Hồi giáo nhưng tôi chưa bao giờ được nghe nói về tôn giáo của tôi và chưa được dạy cho biết cách hành lễ của một tín đồ. Bấy giờ, ý thức thờ phụng bị lu mờ và xung quanh tôi chỉ toàn là những chuyện phóng đãng, bậy bạ, và ích kỷ. Nhưng có lẽ vì Thượng Đế đã phú cho tôi một thiên hướng bẩm sinh về tôn giáo, hay vì một lý do nào khác tôi không biết, những hành động tín ngưỡng hằng ngày kia của Kesáclan trên những bậc đá hoa trắng dẫn xuống dòng nước trong xanh êm ả của con sông Jumna trong cảnh êm đềm lúc bình minh, dưới những tia nắng đầu tiên trong ngày, làm tràn ngập tâm trí mới thức tỉnh của tôi một niềm sùng bái không bờ bến đối với chàng. Hình bóng mảnh khảnh, trẻ trung và sáng ngời của Kesáclan làm tôi tưởng như đấy là một ngọn lửa tinh khiết không hề bợn chút khói. Nếp sống sùng đạo và phong thái tự chủ của chàng trai Hinđi đưa vào đầu óc ngây thơ của cô gái Hồi là tôi vào một trạng thái ngây ngất, vừa tôn kính vừa yêu thương.
Tôi có một nữ tỳ người Hinđi cùng lứa tuổi để hầu hạ. Hàng ngày nó đến chào Kesáclan, cúi gập người đến chạm chân chàng để thi lễ (người Hinđi gọi đó là chấm bụi ở chân). Cử chỉ ấy khiến tôi vui sướng và cũng làm tôi ghen tị. Thường vào những ngày lễ cúng Hinđi, cô ấy mời các vị sư Bà La Môn đến và biếu họ các lễ vật. Tôi bảo nó nên mời Kesáclan và nhận đứng ra giúp. Nó bặm môi tỏ ý muốn khước từ lời gợi ý này của một kẻ ngoại đạo và nói: "Sư thầy Kesáclan sẽ không khi nào hạ mình nhận các lễ vật đâu".
Không có cách nào để bày tỏ niềm quý mến của tôi với chàng, dù trực tiếp hay gián tiếp, nỗi khao khát trong lòng tôi càng không sao chịu nỗi. Tổ tiên tôi có một vị trước kia đã cưới về làm vợ một cô nữ tỳ Bà La Môn. Tôi cảm thấy chính dòng máu của vị tổ tiên đó chảy trong các huyết quản của tôi khi tôi riêng sống trong khuê phòng, và ý nghĩ về mối quan hệ máu mủ ấy với Kesáclan khiến tôi phần nào thư thái.
Nhờ đứa nữ tỳ, tôi học được khá nhiều về đạo Ấn, về các vị nam nữ thần linh, các phong tục, tập quán của đạo này, và đã rất nhiều lần nghe kể về các nhân vật kỳ diệu trong các trường ca Ramayana và Mahabarata, đến nỗi tâm trí tôi chất đầy những cảnh tượng diệu kỳ khó tả, những tượng thần, những mái đền chạm vàng, những tiếng chuông, tiếng mõ, những nén hương nghi ngút cháy, mùi hoa thơm bay lan với hương trầm ngào ngạt, những phép lạ của các vị khất sư, sự khổ hạnh siêu phàm của giới đạo Bà La Môn, các phép hóa thân, các hành vi kỳ diệu của các thần linh giả dạng làm người, tất cả hiện ra với tôi trong một thế giới huyền ảo và mênh mông; tâm hồn tôi như một con chim bé nhỏ lạc tổ, chập choạng bay từ phòng này qua phòng khác dưới các mái vòm của một tòa lâu đài cổ xưa, đồ sộ.
Đúng vào lúc bấy giờ nổ ra một cuộc binh biến, và các đợt sóng xao động của nó ào cả vào các pháo đài nhỏ bé của chúng tôi ở Bađraôn.
Kesáclan tuyên bố: "Bây giờ là lúc tống khứ bọn da trắng ăn thịt bò đi. Sau đó sẽ đến lượt chúng ta, người Hinđi chúng tôi và người Hồi giáo các bạn, rút thăm để phân chia các chức vị và quyền hành ở miền Hinđuxtan của chúng ta".
Nhưng cha tôi là một con người thận trọng. Sau khi tuôn ra hàng tràng những lời nguyền rủa bọn tiếm quyền da trắng, cha tôi nói: "Nhưng không có việc gì trên quả đất này mà bọn ấy không làm được. Người dân Hinđuxtan chúng ta không đương đầu nổi với họ. Ta sẽ không theo bọn khởi loạn đưa vương quốc nhỏ bé của ta vào chuyện nguy hiểm với hy vọng hão huyền ở những khả năng bấp bênh…"
Vào lúc mà dòng máu của toàn xứ Hinđuxtan sôi sục, thái độ tính toán lạnh lùng của cha tôi làm tất cả chúng tôi ai cũng căm phẫn. Ngay cả mẹ tôi và những tỳ thiếp khác của cha tôi cũng tức giận.
Trước tình thế đó, Kesáclan dẫn đầu quân lính của chàng đến nói với cha tôi: "Thưa tiểu vương, xin ngài hãy nghe tôi nói, ngài có muốn đứng về phía chúng tôi hay không? Nếu ngài cự tuyệt, tôi sẽ giam ngài lại tại nơi ở của ngài cho đến khi cuộc chiến kết thúc. Trong khi đó tôi sẽ nắm quyền chỉ huy pháo đài."
"Thực vô lý- cha tôi nói- đừng xử sự gay gắt đối với ta. Ta hoàn toàn đứng về phia các anh!" "Vậy giờ đây tôi cần có tiền"- Kesáclan nói. Cha tôi đưa cho Kesáclan một món tiền không đáng kể, hứa sẽ đưa thêm và bảo: "Ta sẽ đưa cho các anh thêm, chừng nào các anh cần đến".
Tôi có rất nhiều châu báu quý giá để trang sức khắp cơ thể, từ đỉnh đầu cho chí ngón chân. Tôi gói cả lại làm một gói, sai nữ tỳ đưa đến cho Kesáclan. Chàng mừng rỡ nhận lấy và toàn bộ cơ thể tôi, lúc này đã trút bỏ mọi đồ trang sức, run lên vì sung sướng.
Kesáclan đang bận lau chùi các thanh kiếm rỉ và các khẩu súng cất giữ trong pháo đài, thì bất ngờ một buổi chiều, viên sĩ quan Anh chỉ huy khu vực xông vòa doanh trại cùng với binh lính mặc quân phục đỏ, tung bụi mù trời. Cha tôi đã phản bội các thuộc hạ trung thành của người.
Kesáclan có uy tín tuyệt vời đối với binh lính của chúng tôi, đến nỗi tất cả mọi người đều quyết tâm chiến đấu với những cây súng gẫy và những lưỡi kiếm cùn cho tới lúc phải hy sinh.
Còn tôi, phải ở lại dưới mái nhà của người cha đã phản bội dân tộc mình, thật là sống trong địa ngục.Lòng đầy đau khổ, hổ nhục và chán chường, nhưng mắt tôi không nhỏ một giọt lệ. Mặc bộ quần áo của người anh trai hèn nhát, tôi rời bỏ pháo đài và giữa cảnh hỗn độn ấy, không một ai để tâm đến việc làm của tôi.
Khói đạn, cát bụi, tiếng hò rao của quân lính tràn ngập trời đất, rồi sau đó nhường chỗ cho sự yên tĩnh rùng rợn của cái chết. Nước sông Jumna đỏ ngầu vì máu và khi màn đêm buông xuống, mặt trăng tròn vành vạnh rọi chiếu xuống khung cảnh này.
Chiến trường với các xác chết trông thật khủng khiếp. Vào lúc khác, có lẽ tim tôi đã vỡ ra vì đau buồn và thương cảm, nhưng hôm ấy, tôi đi lang thang giữa nơi đó như người đi trong cơn mê ngủ, tìm kiếm Kesáclan. Tôi chìm đắm trong công việc tìm kiếm này đến nỗi tất cả mọi thứ khác đối với tôi đều hư ảo. Tôi tìm, tìm mãi. Sau cùng, vào lúc nửa đêm, ánh trăng sáng chiếu rọi cho tôi thấy hai xác người nằm cạnh nhau trong lùm cây xoài, gần con sông Jumna, một xác là Kesáclan, xác kia là Đêôkinađan, người trợ thủ tận tụy của chàng. Hai người bị tử thương chắc đã bò lết đến nơi vắng vẻ này để trút hơi thở cuối cùng.
Việc đầu tiên của tôi lúc bấy giờ là thỏa mãn nỗi mong chờ từ lâu của trái tim, tôi phủ phục xuống bên chân Kesáclan, quỳ xuống, xõa tóc lau chùi những hạt bụi vấy bẩn chân chàng, rồi áp cào vầng trán nóng bỏng của mình đôi bàn chân lạnh giá, đôi bàn chân đẹp tựa hoa sen và đặt môi hôn.
Những giọt lệ cầm lại cho đến lúc đó cuối cùng trào ra. Vừa lúc ấy, tấm thân Kesáclan khẽ run và một tiếng rên yếu ớt thoát ra từ đôi môi chàng. Tôi giật thót mình buông chân chàng ra và nghe thấy chàng cố nói, hai mắt nhắm nghiền: "Nước".
Tôi vội chạy ra sông, dùng tấm khăn choàng của mình cho sũng nước rồi đem về áp lên đôi môi hé mở của chàng. Sau đó, tôi rửa vết thương đã gần làm hỏng một con mắt chàng và lấy một mảnh áo của tôi băng bó lại.
Trở lại lấy thêm nước, tôi liên tiếp thấm vào mặt và cổ chàng cho đến khi tỉnh.
"Em mang nước lại cho anh nhé?"- Tôi hỏi. "Cô là ai?"- "Kẻ tôi tớ hèn mọn của chàng.", tôi trả lời, rồi không khỏi nói thêm: "Con gái tiểu vương Gôlamkade Khan." Tôi hy vọng rằng, trong cuộc hành trình cuối cùng, Kesáclan sẽ mang theo tấm lòng thành của tôi dâng lên chàng và tôi sẽ giữ được một niềm vui không ai có thể tước đoạt.
Nhưng chàng cố hết sức ngồi bật dậy, lớn tiếng quát: "Cút đi, đứa con gái bất trung của một tên bố bất nghĩa. Sao ngươi dám hủy hoại tín ngưỡng của ta vào giây phút ta chết?", rồi Kesáclan tát mạnh một cái vào mặt tôi khiến tôi lảo đảo, suýt ngất.
Hồi bấy giờ tôi mới mười sáu tuổi. Đấy là lần đầu tiên tôi rời khỏi khuê phòng. Tôi chưa bao giờ ra ngoài nằng, cho nên mặt trời nóng bỏng chưa làm mất đi màu sắc tươi mát của đôi má. Thế mà vừa mới đặt chân ra thế giới bên ngoài, tôi đã phải nhận lấy một cái tát do chính vị thiên thần của tôi, Kesáclan, giáng cho…
Điếu thuốc chưa châm vẫn còn kẹp giữa các ngón tay trong khi tôi chăm chú lắng nghe, không nói một lời, không có một cử chỉ cắt ngang. Tuy nhiên, đến đoạn này, tôi không kìm nổi, thốt lên:
-Đồ súc sinh!
-Ai súc sinh?- Con gái tiểu vương nổi giận hỏi- súc vật có từ chối nước trong lúc hấp hối không?
-Tôi xin lỗi- Tôi vội chữa- Tôi định nói: thật là một vị thần!
-Thần ư?- Người con gái cao quý thốt lên- Thần Thánh có khước từ trái tim của kẻ tôn thờ mình không?
-Đúng vậy, đúng vậy.- Tôi đành lẩm bẩm như thế và lại nín thinh.
Bà công chúa tiếp tục kể:
-Thoạt tiên bị tổn thương đến tận đáy lòng, tôi thấy như thể bầu trời và cả thế giới sụp đổ xuống đầu. Tuy nhiên, chỉ một lát sau, tôi bình tâm lại và sự sùng bái từ xa hiện thân đó của đạo Bà La Môn, lòng tự nhủ: "Hỡi người thanh khiết nhất trong đám người thanh khiết, Người không chịu nhận mảy may gì của bên ngoài, cả sự phục dịch của những kẻ không xứng đáng, cả sự hào phóng của những kẻ giàu sang, cả tuổi thanh xuân của một cô gái, tình yêu của một người đàn bà. Độc lập, cô đơn, luôn luôn thanh khiết, cách biệt không ai có thể đến gần, cho nên em cũng không xứng đáng được xả thân vì chàng chăng?"
Kesáclan nghĩ gì khi nhìn thấy người con gái tiểu vương sụp quỳ sát đất sùng bái mình, tôi không biết, vì nét mặt chàng vẫn trơ trơ bất động. Chàng nhìn vào mặt tôi với vẻ hết sức thản nhiên rồi chống tay định đứng dậy. Tôi bước vội về phía chàng để đỡ nhưng chàng không đếm xỉa gì đến cử chỉ ấy. Không cần ai đỡ, Kesáclan cố loạng choạng bước đến tận các bậc bến tắm, ở đó có một chiếc thuyền nhỏ cột vào một cái cọc. Chàng tìm cách bước lên thuyền, cởi dây neo và du thuyền ra giữa dòng sông. Con thuyền mang chàng trôi đi xa dần cho tới khi tôi không nhìn thấy nữa. Tất cả cơ thể tôi căng lên và ngùn ngụt cháy một khát vọng muốn được hiến dâng tuổi trẻ và nhiệt huyết của mình cho sự tôn sùng không ai yêu cầu này, trong cử chỉ ngưỡng mộ cuối cùng đối với kẻ đã tan biến vào cõi hư vô. Thế rồi, trong cảnh tĩnh mịch của cái đêm có một không hai ấy, tôi đã muốn nhấn chìm cuộc đời vô vọng của tôi, như một cánh hoa bijbwngs khỏi cuống trước thời gian, xuống dòng nước trong vắt của con sông Jumna, dưới sự vuốt ve của ánh trăng. Nhưng tôi không làm được. Con thuyền mỏng manh với vật chở yếu ớt của nó bị dòng nước phẳng lặng nhè nhẹ đưa trôi đi khuất đã bứt tôi ra khỏi vòng tay của tử thần mà tôi mong muốn, kéo tôi lại với cuộc sống…
Đến đây, câu chuyện của người con gái tiểu vương đừng lại, và do bà ta lại chìm vòa những suy nghĩ miên man nên tôi không muốn khuấy động bà.
Một lúc sau, bà ta phá tan sự im lặng:
-Trong mấy ngày cuối cùng ấy, tôi hiểu dần ra rằng, đối với con người không có việc gì là không thể làm nổi, không có việc gì con người không có khả năng làm nổi.
Có lẽ ông cho rằng đối với một người con gái chưa hề bao giờ ra khỏi khuê phòng, thế giới bên ngoài hẳn phải đầy dẫy khó khăn. Nếu ông nghĩ vậy là không đúng. Một khi đã ra khỏi khung cảnh giam hãm kia rồi, trong thế giới mênh mông bao giờ cũng có thể tòm thấy một con đường, không phải là con đường của các tiểu vương, mà là con đường người nào cũng đi qua, một con đường đầy trở ngại, đầy niềm vui và đau khổ, phức tạp vô cùng, nhưng dẫu sao nó cũng là một con đường.
Người con gái của tiểu vươn, một thân một mình, nặng trĩu sầu muộn, đau đớn và nhục nhã, bước đi trên con đường đó như thế nào? Tại sao người con gái ấy lại không từ bỏ công cuộc tìm kiếm của mình? Toàn bộ câu chuyện là một mớ sự việc rắc rối, phức tạp, chắc không làm ông thích thú mấy, cho dù tôi có cố sắp đặt lại cho thứ tự ngăn nắp để ông nghe, mà hiện nay tôi không còn bụng dạ nào mà sắp đặt lại. Như một hỏa tiễn, càng cháy tôi càng đi xa. Và trong khi bước đi tôi không cảm thấy sức nóng của ngọn lửa đó.
Bây giờ, ngọn lửa sáng chói trong cuộc vật lộn tột cùng ấy với những vực thẳm đau khổ và những đỉnh cao mừng vui của nó đã tắt ngấm, bỏ lại tôi bên vệ đường, kiệt quệ. Cuộc hành trình của tôi đã kết thúc và cùng với nó là tất cả câu chuyện của tôi…
Bà ta lại ngừng. Nhưng trong thâm tâm, tôi lắc đầu: "Không, đây chưa phải là chỗ kết thúc của câu chuyện." Vì vậy, để bà ta nghỉ một lát, rồi tôi đánh bạo hỏi:
-Thưa Babi Xahép, nếu bà đoái rủ lòng thương tha thứ cho sự mạo muội của tôi, xin bà kể tiếp phần kết thúc câu chuyện rõ ràng hơn chút nữa… để làm dịu bớt nỗi khắc khoải trong tâm trí kẻ đầy tớ này.
Bà công chúa con gái tiểu vương bật cười. Tôi nhận thấy vốn liếng nghèo nàn về tiếng Hinđi của tôi đã đem lại kết quả chờ đợi. Nếu tôi nói thông thạo, chắc bà ta đã chẳng khi nào bộc lộ hết điều bí ẩn của lòng mình. Chính việc tôi không quen nói tiếng mẹ đẻ của bà đã được dùng làm tấm bình phong giữa bà ta và tôi.
Bà ta lại kể tiếp:
-Thỉnh thoảng tôi nhận tin về Kesáclan, nhưng không khi nào tôi đến được tận nơi chàng ở. Chàng đã cùng với những người khởi nghĩa khác ra "bưng biền", và khi ở nơi này, khi ở nơi khác, chàng tiến công chớp nhoáng như một mũi tên rồi vụt biến đi như một tia chớp.
Tôi ăn mặc như một cô gái mới nhập đạo Hinđi, đến gặp Xoami (Người đứng đầu một tăng hội, dùng rộng ra cho tất cả các vị sư) Xivanan ở Bênarét xin thụ giáo. Tin tức khắp mọi miền đất nước đều được đưa về đến tận chân con người thánh thiện. Tôi ở cạnh người, tiếp thu sự giảng dạy của người về đạo Hinđi, đồng thời nhận được cả những tin tức về cuộc khởi nghĩa cho đến khi tôi được biết nó cuối cùng đã bị quân Anh dập tắt hẳn. Tin tức về Kesáclan không đến với chúng tôi nữa. Những con người dũng cảm với những chiến công vang dội như những tia chớp chói lòa dần mờ đi và chìm vào bóng tối.
Không chịu đựng nổi thêm nữa, tôi rời am của giáo sĩ thầy dạy tôi và lại lên đường. Tôi đi khắp các thánh địa, thăm hết đền này đến đền khác mà không tìm thấy vết tích Kesáclan. Một vài người biết tiếng chàng bảo tôi là chắc chàng đã hy sinh trên chiến trường hay đã bị quân Anh bắt được giết chết. Nhưng trái tim tôi vẫn tự nhủ: "Kesáclan không thể chết. Ngọn lửa của đạo Bà La Môn không thể tắt. Chàng hẳn đang chờ đợi ở một nơi xa lạ không ai đến được để đón nhận sự cống hiến tình yêu của tôi."
Kinh Thánh Hinđi có nói đến những người Xuđra (người Hinđi thuộc đẳng cấp thấp) trở thành người Bà La môn nhờ có trí thức và lối sống khổ hạnh. Đúng là không có chỗ nào nói đến người Hồi Giáo trở thành người Bà La Môn, nhưng lý do duy nhất có lẽ là hồi ấy chưa có người Hồi Giáo. Tôi biết còn phải trãi qua rất nhiều thời gian rồi tôi mới được đoàn tụ với Kesáclan, vì trước hết tôi phải trở thành một phụ nữ Bà La Môn đã.
Những năm dài lần lượt trôi qua. Cuối cùng, trong nội tâm cũng như ở vẻ ngoài, trong tiếng nói và trong ý nghĩ, trong tình cảm và trong hành động, tôi đã trở thành một phụ nữ Bà La Môn, chứng minh cho dòng máu của vị tổ tiên nọ đang chảy trong người tôi. Và được hoàn toàn xác nhận trong tâm trí tôi bên chân người Bà La Môn đầu tiên ấy ở buổi đầu tuổi thanh xuân của tôi, người Bà La Môn cuối cùng ấy ở thời cuối tuổi thanh xuân của tôi, người Bà La Môn duy nhất đối với tôi trong toàn thế giới, người tôi ngời lên một ánh sáng kỳ diệu.
Tôi đã được nghe kể nhiều chuyện, nhiều chiến tích táo bạo của Kesáclan trong thời gian xảy ra cuộc binh biến, khiến tôi rất vui sướng, nhưng cái khắc sâu trong ký ức tôi là hình ảnh của kẻ đã biến đi trong cái đêm trăng nào, một mình trên thuyền nhỏ được dòng nước Jumna lặng lẽ đưa trôi. Và từ ngày ấy, lúc nào trong trí tôi cũng hiện lên hình ảnh của gương mặt nghiêm khắc, bị lôi cuốn không sao cưỡng nổi về một điều huyền bí lớn lao nào đó, không kẻ đồng hành, không người phục dịch và cũng không muốn ai phục dịch, tự mình lo liệu hết, tâm trí ngời sáng, dưới sự chiêm ngưỡng của mặt trăng và các vì sao trong niềm khâm phục lặng lẽ.
Cuối cùng, tôi được nghe nói chàng đã thoát khỏi sự trả thù của những kẻ chiến thắng và đến nương thân ở Nêpan. Sau một thời gian dài tìm kiếm, tôi lại được biết trước đó ít lâu, chàng đã vượt qua các ngọn núi cao đi xa hơn nữa về phía đông, rồi không ai cho tôi biết thêm gì hơn.
Kể từ ngày đó, tôi ở lại vùng này trong dãy núi Hymalaya, một nơi hoàn toàn không thích hợp với người Hinđi, vì người dân Butan và Lépcha thờ những vị thần khác hẳn và coa những nghi lễ, những phong tục tạp quán khác hẳn. Tôi bắt đầu lo cho sự thuần khiết Bà La Môn ở tôi, kết quả của những nỗ lực suốt một đời, sợ nó sẽ bị vấy bẩn. Tôi hết sức cẩn thận giữ mình khỏi bị va chạm lây nhiễm, vì tôi linh cảm con thuyền của đời tôi không còn xa nữa. Tôi sẽ kể gì với ông về phần kết nhỉ? Phần cuối lại là phần ngắn nhất trong câu chuyện. Chỉ cần thổi phù một cái là đủ làm tắt ngọn nến. Việc gì phải kể dài. Vào cuối phần sáng đẹp nhất đời tôi, sau ba mươi tám năm trời, sáng nay tôi tới Đajilinh và gặp Kesáclan.
Bà ta dừng lại.
Trong lúc nóng vội, tôi quên mất cả ý tứ:
-Gặp ở đâu? Bà thấy ông ấy như thế nào?
-Tôi gặp một Kesáclan già nua trong đám thổ dân Butan với người vợ Butan đầu tóc rối bù, cùng đám con cháu bẩn thỉu, nhếch nhác xung quanh. Ông ta ngồi ở một góc sân nhớp nhúa đang bóc vỏ đậu.
Câu chuyện của bà ta quả thực là hết.
Thấy cần phải nói đôi lời an ủi, vì vậy tôi đã mạnh dạn nói:
-Ta phải miễn thứ cho một kẻ trốn tránh, bị săn đuổi bao nhiêu năm trời, không thể chờ đợi ông ta còn giữ được hoàn toàn cái chất Bà La Môn của mình sau tất cả những thử thách đã phải trãi qua.
Người con gái tiểu vương lãnh đạm đáp lại:
-Điều đó tôi khá biết. Nhưng tôi nghĩ là nghĩ về tôi, về cái ảo ảnh khó hiểu đã ám ảnh tôi, theo đuổi tôi trong suốt bao nhiêu năm trời đằng đẵng kia. Làm sao tôi có thể biết được, làm sao tôi có thể ngờ được rằng, cái tinh thần của đạo Bà La Môn đã chinh phục trái tim phụ nữ của tôi giữa lúc trái tim ấy xòe mở chỉ là một thứ tạp quán, một thói quen mù quáng mà thôi? Đối với tôi, nó đã hiện ra như tôn giáo, như toàn bộ các giáo quy, như đường đi của vĩnh cửu, như chân lý muôn đời. Cử chỉ lăng nhục ghê tởm của bàn tay một người Bà La Môn ban thưởng cho sự tôn sùng, hiến dâng cả tâm hồn lẫn thể xác của tôi vừa mới bừng nở ra trước cuộc sống, làm sao tôi có thể chấp nhận một cách khác được, nếu không coi nó là một biểu tượng thụ pháp êm ái.
Hỡi ôi, chàng Bà La Môn, chàng đã dễ dàng vứt bỏ toàn bộ những nề nếp tín ngưỡng hàng ngày để tiếp nhận những cách sống khác, nhưng còn tôi, làm sao tôi có thể thay thế được cuộc sống, tuổi trẻ mà tôi đã mất, đã phung phí…?
Người đàn bà đứng dậy, nói mấy tiếng sau đây chào tôi theo kiểu Hinđi:
-Xin chào tôn ông, Babu-ji.
Sau đó định thần lại, bà chào tôi theo kiểu Hồi Giáo
-Xalam, Babu-xahíp.
Sau những lời vĩnh biệt đó đối với các tàn tích của đạo Bà La Môn trong mình đã bị nghiền tan thành cát bụi một cách xiết bao tàn nhẫn, và khi tôi chưa kịp có một lời nhận xét, bà ta đã biến đi trong màn sương mù của dãy núi Himalaya.
Còn tôi cứ ngồi như vậy, nhắm mắt mơ màng. Những hình ảnh hiện lên trước mắt tôi, thoạt tiên là một cô gái mười sáu tuổi, ngồi trên tấm nệm dệt bằng chỉ vàng, bên cạnh khung cửa sổ nhìn xuống dòng sông Jumna, sau đó là một nhà tu nữ khổ hạnh ngồi trong sân đền, ngước con mắt thiết tha thành kính lên hình ảnh sáng ngời của thần linh trong buổi lễ chiều, rồi đến người đàn bà tuổi tác, tuyệ vọng, chìm trong màn sương mù, trái tim tan nát với các ảo ảnh rơi lả tả bên vệ đường từ Đajilinh đến Cancơta. Tiếng nhạc nảy ra từ sự hội tụ giữa hai phong trào đối lập nhau là đạo Bà La Môn và đạo Hồi trong cơ thể một phụ nữ nhạy cảm, cuồng nhiệt tiếp tục ngân lên như những đợt sóng trong tâm trí tôi không biết bao nhiêu lâu.
Bừng mở mắt, tôi thấy mây đã tan và mặt trời rực rỡ đã trãi nắng tràn ngập các khoảng không xanh thẳm trên dãy núi. Những phụ nữ Anh ngồi trên xe kéo, những người đàn ông Anh cưỡi ngựa và thỉnh thoảng những người Bengan, khăn quàng quấn kín cả mũi lẫn miệng, quay lại nhìn tôi với vẻ tò mò.
Tôi đứng bật dậy. Trong thế giới trần trụi này, dưới ánh sáng bóc trần mọi việc, câu chuyện kỳ quái kia đối với tôi hình như không thật nữa. Thậm chí, tôi cũng không thể quả quyết rằng đó chỉ là một sản phẩm kỳ quái của trí tưởng tượng ở tôi, sinh ra từ sự hòa trộn giữa sương mù và khói thuốc lá; và cái pháo đài bên sông Jumna, bà công chúa Hồi Giáo, chàng trai Bà La Môn làm binh biến, khắc khổ và táo bạo, cùng tất cả câu chuyện này chỉ là hoàn toàn hoang tưởng.
Hoàng Cường, chuyển ngữ.
"Tears", by VforVieslav
"Disney's Dream", by Mad-Hatter-1980

Bình luận về bài viết này